Theo một nghiên cứu mới đây từ các nhà sinh vật học thuộc ĐH Exeter (Anh), nhiệt độ chính là yếu tố gây ảnh hưởng đến đời sống "chăn gối" của loài ruồi giấm thường - còn gọi là ruồi hoa quả (fruit fly).
Cụ thể khi thời tiết ấm hơn, ruồi sẽ tuân thủ chính sách "một vợ một chồng", nhưng trong điều kiện môi trường lạnh, chúng sẽ... lang chạ lung tung.
Ruồi giấm Drosophila pseudoobscura có tập tính sinh sản chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ
Thói quen sinh sản của loài ruồi giấm pseudoobscura trong chi Drosophila đã từng được giới khoa học quan sát từ lâu, do cá thể ruồi đực của loài này có số lượng tinh trùng nhiều hơn hẳn so với các loài ruồi cùng chi khác.
Để làm rõ nguyên nhân vì sao loài ruồi thích "chung chạ" khi thời tiết trở lạnh, các nhà khoa học đã quan sát các nhóm ruồi từ những khu vực có khí hậu khác nhau.
Tiến sĩ Michelle Taylor - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Đây là một ví dụ điển hình về vai trò của gene và môi trường. Những cá thể cái thu hút nhiều bạn tình hơn nhằm đa dạng hóa loại gene của thế hệ sau, giúp chúng có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt".
Ở các loài động vật có vú, nhiệt độ thay đổi cũng ảnh hưởng tới đời sống tình dục. Tuy nhiên, việc "chung chạ" với nhiều cá thể đực thường xảy ra khi nhiệt độ tăng lên, thay vì nhiệt độ giảm như loài ruồi.
Theo Taylor: "Kết quả nghiên cứu này rất quan trọng, giúp chúng ta hiểu hơn về ảnh hưởng của genes và môi trường đến sự tăng giảm dân số loài. Việc giao phối với nhiều cá thể đực có thể làm tăng sự đa dạng gene trong quần thể. Đây cũng chính là lý do một số quần thể có thể thích nghi với sự thay đổi của môi trường, trong khi số khác bị tận diệt".
Tuy nhiên, tiến sĩ Taylor cho biết nhóm nghiên cứu vẫn chưa giải thích được vì sao một số ruồi cái lại lựa chọn việc chung thủy với một bạn tình duy nhất, và điều này sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu khác trong tương lai.
Nguồn: IFL Science