Nhiều bà mẹ lo lắng khi ngày dự sinh ngày càng đến gần, từ niềm vui ban đầu khi mang thai cho đến nỗi lo về việc sinh nở. Có người nói sinh em bé rất nhanh, trong khi nhiều người lại nói rất khó và đau đớn. Điều này khiến nhiều bà mẹ thắc mắc tốc độ sinh nở được quyết định bởi yếu tố nào?
Những yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ sinh nở
1. Tuổi tác
Nghiên cứu y học chứng minh độ tuổi sinh sản của phụ nữ là 23 - 29 tuổi. Trong khoảng thời gian này, cả thể trạng và tinh thần của phụ nữ đều tốt nhất. Một số cô gái mang thai sớm khi còn quá trẻ, tử cung chưa phát triển hoàn thiện dễ dẫn tới sinh khó.
Nếu phụ nữ trên 35 tuổi, việc mang thai có thể xuất hiện dị tật thai nhi và các hiện tượng khác. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị mang thai trong độ tuổi "vàng" để việc sinh nở diễn ra thuận lợi, quá muộn hoặc quá sớm sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ.
Nếu một phụ nữ có thể trạng tốt, khỏe mạnh, tốc độ sinh nở sẽ diễn ra nhanh. Đặc biệt là những bà mẹ tập thể dục thường xuyên khi mang thai, có cơ sàn chậu khỏe mạnh rất thuận lợi trong việc chuyển dạ. Ngược lại, người mẹ nằm trên giường trong thời gian dài, ít vận động, thể lực kém sẽ sinh lâu và khó hơn.
2. Kích thước và tư thế của thai nhi
Nếu đầu em bé to sẽ khó sinh tự nhiên. Ngay cả trong trường hợp sinh tự nhiên, thời gian cũng kéo dài lâu hơn, điều này sẽ gây đau đớn cho người mẹ.
Tư thế xoay đầu của thai nhi là một trong những điều kiện để sinh thường. Nếu vị trí của thai nhi không chính xác, tình trạng thiếu oxy có thể xảy ra và khả năng sinh thường rất thấp.
3. Thời gian chuyển dạ
Nếu là mẹ sinh con thứ 2, quá trình chuyển dạ nhìn chung sẽ nhanh hơn so với khi sinh bé đầu, vì xương chậu và tử cung sẽ mở nhanh hơn sau 1 lần sinh. Con thứ 2 thường sẽ chào đời nhanh hơn con đầu lòng.
Để sinh nở thuận lợi, bà bầu cần chuẩn bị gì?
- Chuẩn bị tâm lý tốt
Lo lắng về việc sinh em bé cũng là điều bình thường nhưng người mẹ phải tin mình có thể sinh nở thuận lợi, bởi vì trước khi sinh thường sẽ có những cơn co thắt khiến người mẹ đau đớn không chịu nổi. Lúc này, vai trò của gia đình, đặc biệt là người chồng phải ở bên cạnh. Một số người mẹ không chịu nổi những cơn gò tử cung trước khi sinh, cuối cùng từ bỏ sinh thường để chọn sinh mổ.
Việc tin tưởng vào bản thân có thể sinh nở thuận lợi rất quan trọng, tâm lý và tinh thần của người mẹ có thể quyết định việc chuyển dạ có suôn sẻ hay không. Nếu quá hồi hộp có thể khiến quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó hơn.
- Thường xuyên tập thể dục khi mang thai
Khi mang thai, người mẹ nên cố gắng vận động nhiều hơn bằng cách đi bộ, tập yoga, bơi lội. Tùy vào từng điều kiện và thể chất của bản thân mà người mẹ có thể chọn các bài tập phù hợp. Việc vận động điều độ khi mang thai có thể rút ngắn thời gian chuyển dạ, đồng thời cũng có những lợi ích nhất định đối với sự phát triển trí tuệ của thai nhi.
Tập thể dục không chỉ rèn luyện cơ thể mà còn thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa phù nề khi mang thai.
- Chú ý tới cân nặng
Người mẹ cần kiểm soát cân nặng của mình, tránh bị béo phì và tăng cân quá mức. Nếu cân nặng trong phạm vi chuẩn, thai nhi đủ tháng và đủ cân, việc chuyển dạ sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.
Những người mẹ không tăng cân quá nhiều thì việc sinh nở sẽ nhanh hơn so với các mẹ thừa cân.
- Tìm hiểu trước về việc mang thai và sinh nở
Biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong quá trình chuyển dạ có thể làm giảm căng thẳng và sợ hãi, đồng thời cơn đau sẽ bớt dữ dội hơn.
Người mẹ cần học cách hít thở đúng khi chuyển dạ, nó có thể giúp giảm đau và vượt cạn một cách thoải mái hơn.
Tóm lại, những ai từng trải qua quá trình sinh nở mới hiểu được "cửa sinh như cửa tử". Nếu muốn việc chuyển dạ diễn ra nhanh và thuận lợi, không đáng sợ như trong phim, việc người mẹ có tâm lý tốt và biết chuẩn bị tốt cho việc sinh nở thì mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ.