Chào bác sĩ, vợ chồng em kết hôn hơn 1 năm vẫn chưa có con. Em đã đi khám phụ khoa thì bác sĩ nói là bình thường. Em cũng theo dõi và canh trứng mấy tháng nhưng không đậu thai. Chồng em nói có thể do anh ấy bị tinh trùng yếu. Bác sĩ cho em hỏi, tình trạng hiếm muộn do yếu và thiếu tinh trùng ở nam giới căn cứ vào yếu tố nào để xác định? Có những phương pháp nào điều trị - khắc phục tình trạng yếu - thiếu không? (L. Phương)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn L. Phương, chúng tôi xin được trả lời như sau:

Tình trạng hiếm muộn do tinh trùng yếu và thiếu ở nam giới có thể căn cứ vào một số yếu tố sau đây để xác định:

Tinh dịch ít, loãng

Trung bình lượng tinh dịch trong một lần xuất tinh của nam giới vào khoảng từ 2-5ml. Nếu lượng tinh dịch ở dưới mức này được xem là ít, kéo theo lượng tinh trùng có thể không đảm bảo. Trong khi đó, nếu tinh dịch xuất ra quá loãng, nguy cơ chất lượng và số lượng tinh trùng yếu, ít cũng có thể xảy ra.

Yếu tố xác định tình trạng tinh trùng yếu, thiếu ở nam giới và phương pháp khắc phục - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân để xác định tình trạng tinh trùng yếu và thiếu ở nam giới.

Tinh dịch có màu sắc và mùi bất thường

Tinh dịch khi mới ra ngoài có mùi tanh đặc trưng và màu trắng ngọc trai. Nếu tinh dịch có những thay đổi bất thường về màu sắc hoặc mùi thì đó là dấu hiệu cảnh báo tinh dịch cũng như tinh trùng có thể có vấn đề, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới.

Những bất thường hay gặp về màu sắc của tinh dịch là tinh dịch có màu vàng hoặc hòa lẫn máu. Đây là dấu hiệu cho thấy tinh dịch bị nhiễm khuẩn hay đường sinh dục, tiết niệu có vấn đề, tác động xấu đến tinh trùng. Gặp phải dấu hiệu bất thường này nam giới cần tiến hành thăm khám, xét nghiệm ngay.

Tinh dịch đông đặc

Tinh dịch đông đặc cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết tinh trùng yếu. Sau khi xuất tinh, thông thường tinh dịch hơi nhờn dính, sau đó khoảng 20-30 phút, dịch này sẽ hết bết dính và biến thành chất lỏng.

Nếu vượt quá 30 phút, tinh dịch vẫn không loãng ra, thậm chí đông đặc lại thì được xem là nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, thụ thai của tinh trùng. Vì khi tinh dịch đặc quánh, tinh trùng sẽ bị "cầm chân", di chuyển chậm hoặc không thể di chuyển về phía trước để tiến đến tử cung, khả năng gặp trứng sẽ thấp.

Tinh dịch vón cục

Biểu hiện là trong tinh dịch có những hạt trắng nhỏ như hạt cơm, bóp thấy mịn như bột. Trường hợp tinh dịch hình thành cục đông, có dây sợi dễ khiến tinh trùng bị yếu, bất động và chết trước khi đển gặp trứng.

Ngoài ra, suy giảm tinh trùng hoặc tinh trùng yếu còn có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng như không còn ham muốn tình dục, tinh hoàn bị sưng và đau, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm…

Yếu tố xác định tình trạng tinh trùng yếu, thiếu ở nam giới và phương pháp khắc phục - Ảnh 2.

Tránh stress, thức khuya, hạn chế bia rượu, thuốc lá, duy trì chế độ ăn uống đủ chất… cũng có tác dụng khắc phục tình trạng tinh trùng yếu.

Phương pháp nào điều trị - khắc phục tình trạng tinh trùng yếu - thiếu

Nếu chẳng may gặp phải một trong những dấu hiệu cho thấy tinh trùng có thể yếu, ít như trên, hoặc trường hợp lấy nhau đã hơn một năm, sinh hoạt tình dục đều đặn và không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có con, thì nam giới nên đi khám chuyên khoa nam học ở những bệnh viện lớn để tìm ra nguyên nhân tinh trùng yếu, ít. Dựa vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định hướng can thiệp phù hợp.

Ổn định nồng độ Testosterone trong cơ thể có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng và số lượng tinh trùng, tăng khả năng làm cha cho nam giới.

Bên cạnh lời khuyên về thay đổi lối sống, tránh stress, thức khuya, hạn chế bia rượu, thuốc lá, duy trì chế độ ăn uống đủ chất… nam giới bị tinh trùng yếu, ít có thể sẽ được bác sĩ cho dùng thêm thuốc hay các phẫu thuật liên quan khi cần.

Như vậy, trong trường hợp của vợ chồng bạn, tốt nhất bạn nên khuyên chồng đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết để có biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời.

Chúc vợ chồng bạn sớm có em bé!

Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: [email protected] 

Bác sỹ Phạm Thị Mỹ - Bác sỹ Chuyên khoa Sản và Hiếm muộn, Bệnh viện Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội