Zara đang đứng trước làn sóng phẫn nộ đỉnh điểm, sau khi các hình ảnh trong chiến dịch "The Jacket" của hãng được cho rằng đang gợi nhắc tới xung đột Israel - Hamas. Hiện tại, "gã khổng lồ thời trang nhanh" đã buộc phải thu hồi và xoá các hình ảnh nói trên, sau khi các bài đăng trên mạng xã hội tràn ngập các bình luận phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay.
Chiến dịch của Zara có sự tham gia của người mẫu Kristen McMenamy. Nữ người mẫu tạo dáng giữa đống đổ nát, vách thạch cao vỡ và mannequin được bọc trong tấm phủ màu trắng. Hình ảnh mannequin bị khuyết chân tay và người mẫu tạo dáng trong hộp gỗ nhận về nhiều bình luận cho rằng thương hiệu đang chế nhạo những tàn phá do cuộc xung đột Israel - Hamas gây ra. Đáng chú ý, một trong những chi tiết ở set chụp của Zara còn được netizen chỉ ra có hình dạng giống với bản đồ của Palestine.
Chi tiết ở set chụp của Zara được chỉ ra có hình dạng giống với bản đồ của Palestine (ảnh trái)
Bài đăng gốc của Zara đã thu về hơn 171,000 comment bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay. Một người dùng MXH X bình luận: "Đáng sợ rằng, chúng ta đang mua quần áo từ những kẻ có thể nghĩ ra chiến dịch marketing vô cảm đến vậy. Dù bạn có thuộc phe nào trong cuộc xung đột, hãy đồng tình với tôi rằng đây là một chiến dịch quảng cáo cười nhạo lên những mất mát của những người dân thường ở dải Gaza."
Ảnh trái: "Tôi không nghĩ là sự trùng hợp khi mà lỗ thủng trên tường nhìn giống như bản đồ của Palestine bị lộn ngược." Ảnh phải: Hình ảnh một cửa tiệm Zara bị phun sơn trên cửa kính
Theo Forbes, Inditex (công ty mẹ của Zara) xác nhận chiến dịch "The Jacket" đãđược lên kế hoạch từ tháng 7 và thực hiện trong tháng 9, tất cả đều được sản xuất trước khi xung đột Israel - Hamas leo thang vào đầu tháng 10. Đứng trước làn sóng tẩy chay đang lan nhanh, Zara mới đây đã đưa ra lời giải thích chính thức trên trang Instagram cá nhân.
Chiều tối ngày 12/12, Zara đã đưa ra giải thích cho vụ việc này trên trang Instagram chính thức. Thương hiệu cho biết: "Những hình ảnh trong chiến dịch "The Jacket" được thực hiện với mục đích duy nhất là trưng bày các sản phẩm may mặc của Zara trong một bối cảnh nghệ thuật (ở trường hợp này là studio của một nhà điêu khắc). Thật không may, một vài khách hàng cảm thấy bị xúc phạm bởi chiến dịch của chúng tôi. Những hình ảnh (hiện đã bị xoá) này bị nhìn nhận sai lệch và xa khỏi mục đích ban đầu của Zara. Chúng tôi lấy làm tiếc vì những hiểu lầm này và muốn bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc đối với tất cả mọi người."
Bài đăng giải thích của Zara chiều ngày 12/12 trên Instagram.
Tuy nhiên, tuyên bố chính thức của Zara không thể xoa dịu được cơn giận dữ của cư dân mạng. Phần đông cho rằng bài đăng này chỉ là một động thái tạm thời của Zara để tránh khỏi làn sóng tẩy chay và không giống như lời xin lỗi chân thành.
Trước khi đăng đàn giải thích vào ngày 12/12, Zara mới chỉ gỡ hình ảnh gây tranh cãi ở trên ứng dụng và website. Hành động này, theo như xác nhận của Inditex với tạp chí Forbes, là một phần trong quy trình tái tạo hình ảnh thuộc kế hoạch Marketing thường niên của Zara. Tất cả hình ảnh còn lại của chiến dịch "The Jacket" chỉ thực sự được xoá trên các trang MXH như Instagram/X sau khi làn sóng phản đối, tẩy chay gia tăng.
Xâu chuỗi lại tất cả các hành động, netizen lại càng thêm phẫn nộ, đồng thời để lại nhiều chỉ trích dưới bài đăng giải thích của Zara:
- Tuyên bố này nực cười hơn cả chiến dịch "The Jacket". Nếu họ còn có nhân tính thì đã nhìn ra điểm sai của bộ hình. Thật không thể chấp nhận được!
- Có ai cũng thấy lấn cấn với cụm từ "Một vài khách hàng" trong bài đăng của Zara không?
- Không lạ với việc các chiến dịch quảng cáo đều được lên kế hoạch trước đó nhưng tôi nghĩ các người đủ thông minh để nhận ra những hình ảnh của mình thiếu tinh tế và vô cảm. Đây là một phản hồi lười biếng và sai trọng tâm.
- Nói thật đi, mấy người chỉ lên bài vì sợ bị tẩy chay đúng không?
- Chung quy lại, Zara không cảm thấy mình sai. #TẩychayZara.
Nguồn: Forbes, Instagram@Zara