Một đợt bùng phát dịch sởi đã cướp đi tính mạng của hơn 700 trẻ em và đã khiến cho hàng nghìn trẻ khác bị nhiễm bệnh trên khắp đất nước Zimbabwe.

Tính đến ngày 6/9/2022, Bộ Y tế và Chăm sóc Trẻ em của Zimbabwe đã báo cáo hơn 6.500 trường hợp mắc và 704 trường hợp tử vong do bệnh sởi.

Sự bùng phát này là hậu quả của một số yếu tố đáng báo động, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em không chỉ ở Zimbabwe mà còn ở nhiều quốc gia.

Việc tiêm chủng định kỳ đã giảm đáng kể ở Zimbabwe trong suốt đại dịch COVID-19. Vào tháng 7/2022, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng hàng triệu trẻ em, hầu hết ở các quốc gia nghèo, đã bỏ lỡ một số hoặc tất cả các mũi tiêm cần thiết do giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và các trở ngại khác.

Các cơ quan của Liên hợp quốc gọi tình huống này là sự trượt lùi lớn nhất trong việc tiêm chủng định kỳ trong 30 năm và cảnh báo rằng cùng với tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng nhanh, có thể là những điều kiện đe dọa tính mạng của hàng triệu trẻ em.

25 năm trước, Zimbabwe là một trong những quốc gia có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất ở vùng cận Sahara. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ngày một giảm khi các giáo phái tôn giáo không tin vào tiêm chủng xuất hiện. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế và chính trị kéo dài hàng thập kỷ khiến cho hệ thống y tế công cộng bị ảnh hưởng.

Hệ thống y tế của Zimbabwe cũng đang thiếu nhân viên một cách trầm trọng. Các nhân viên y tế đã chuyển đến Nam Phi hoặc các quốc gia lân cận có mức thu nhập cao hơn để làm việc.

Zimbabwe: Đã có hơn 700 trẻ em tử vong do một căn bệnh không hề xa lạ - Ảnh 1.

Người dân đang đọc thông tin về vaccine trong tờ rơi. Ảnh: Tsvangirayi Mukwazhi/Associated Press

Một phát ngôn viên của Bộ Y tế liên bang cho biết Chính phủ Zimbabwe đang nỗ lực tiếp cận chức sắc của các tổ chức tín ngưỡng để nâng cao nhận thức và thu hút sự ủng hộ về vấn đề tiêm chủng.

“Chính phủ đã bắt tay vào một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, liên hệ với các chức sắc của các nhóm đức tin để thu hút sự ủng hộ và nhận thức của người dân về vấn đề tiêm chủng. Trẻ em từ 6 tháng đến 15 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là ở những giáo phái tôn giáo không tin vào việc tiêm chủng. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để không một trẻ em nào phải chết vì bệnh sởi nữa.”

Các ca bệnh sởi đầu tiên trong đợt bùng phát này được báo cáo vào tháng 4 tại làng Makabvepi gần biên giới với Mozambique. Tiến sĩ Cephas Fonte, nhân viên y tế của quận Mutasa, cho biết trong khi các nhân viên y tế của quận được cảnh báo về sự xuất hiện của bệnh sởi, các ca tử vong đầu tiên do nhiễm sởi đã không được báo cáo. Cho tới tháng 7, dịch sởi đã lan rộng khắp Zimbabwe.

Trẻ em Zimbabwe dễ mắc các bệnh cấp tính do sởi hơn vì có nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng. Thu nhập bình quân đầu người đã giảm trong bốn năm qua, trong khi giá lương thực tăng do nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tình trạng thiếu lương thực, hạn hán do biến đổi khí hậu.

Lần gần đây nhất Zimbabwe bùng phát dịch sởi nghiêm trọng là vào năm 2009, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng siêu lạm phát. Đã có hơn 8.000 trường hợp mắc bệnh và ít nhất 500 trẻ em tử vong do nhiễm sởi. Kể từ đó, hệ thống y tế đã phải vật lộn để đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng. Một đợt bùng phát bệnh thương hàn năm ngoái đã dẫn đến một chiến dịch kéo dài 10 ngày, trong đó 3 triệu trẻ em đã được tiêm chủng vaccine ngừa thương hàn, bại liệt, đồng thời được uống vitamin A nhưng các em không được tiêm phòng vaccine ngừa bệnh sởi.

Zimbabwe: Đã có hơn 700 trẻ em tử vong do một căn bệnh không hề xa lạ - Ảnh 2.

Người dân đang chờ khám tại Harare. Ảnh: Tsvangirayi Mukwazhi/Associated Press

Anenyasha, con gái 20 tháng tuổi của Viola Mombeyarara - một nông dân và là thành viên của nhà thờ Johane Marange - đã chết vì bệnh sởi vào ngày 4/9.

Cả 4 đứa con của Mombeyarara đều bị bệnh sởi nhưng 3 bé lớn đã tự hồi phục. Bé Anenyasha gặp tình trạng nặng hơn khi sốt kéo dài, nôn, tiêu chảy, cuối cùng là bị mất nước nghiêm trọng và tử vong. Anenyasha đã được một y tá chẩn đoán mắc bệnh sởi nhưng mẹ bé vẫn tin rằng có “nguyên nhân nào khác” dẫn đến cái chết của con mình. Mombeyarara vẫn do dự về việc liệu có nên tiêm phòng cho những đứa con còn lại của mình hay không. Cô nói: “Các loại thảo mộc chúng tôi đã sử dụng cũng đã chữa khỏi bệnh cho những đứa trẻ khác. Điều đó có nghĩa là chúng có tác dụng. Tôi vẫn tin vào cách làm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không tiêm chủng”.

(Nguồn: The New York Times)